TTO – Phương án xây cầu thay phà Cát Lái được Thủ tướng đồng ý giao TP.HCM triển khai đầu tư, nhưng sau đó được giao tỉnh Đồng Nai chủ trì kêu gọi đầu tư và đến nay vẫn còn đang giai đoạn khởi động.
Theo thống kê của Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP.HCM, thời gian qua lưu lượng người dân qua phà Cát Lái (nối TP.HCM và Đồng Nai) liên tục tăng, cao điểm lên tới 100.000 lượt/ngày, còn trung bình ngày thường khoảng 50.000 lượt. “Do người dân đi lại nhiều, một số thời điểm xảy ra ùn ứ, đặc biệt là khu vực bên bờ Nhơn Trạch, Đồng Nai”, một cán bộ quản lý phà Cát Lái cho hay.
Từ nhiều năm qua, người dân hai bờ TP.HCM và Đồng Nai đều muốn sớm xây cầu Cát Lái thay thế phà. Trước đây, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, kết nối giao thông giữa TP.HCM và Đồng Nai hướng vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch giữ nguyên như phà hiện hữu.
Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của các nhà đầu tư, UBND TP.HCM đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây cầu thay phà Cát Lái, giao TP.HCM triển khai đầu tư giai đoạn 2017 – 2020.
Trên cơ sở đó, có một số nhà đầu tư và liên danh cũng đề xuất dự án theo hình thức BOT kết hợp với BT.
Sau đó, UBND TP.HCM đã tạm dừng xem xét đề xuất đầu tư dự án mới theo hình thức này, đồng thời liên danh nhà đầu tư cũng có văn bản về việc hồ sơ đề xuất dự án, thỏa thuận liên danh hết hiệu lực.
Trong khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm việc với TP.HCM và đề xuất Thủ tướng về việc đứng ra chủ trì và kêu gọi nhà đầu tư xây cầu. Tháng 8-2019, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh này.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, dự kiến cầu Cát Lái khởi công trong năm 2020 có chiều dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp. Do đây là dự án có tổng mức đầu tư gần 7.200 tỉ đồng, việc triển khai theo hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi, nên tỉnh Đồng Nai kiến nghị tách dự án xây dựng cầu Cát Lái ra làm 3 dự án thành phần.
Theo các chuyên gia giao thông, khi có cầu Cát Lái, hệ thống giao thông TP.HCM – Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM – Bà Rịa-Vũng Tàu – Đồng Nai. Bên cạnh đó, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C sẽ hình thành tuyến kết nối TP.HCM – sân bay Long Thành, chia sẻ lưu lượng với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vốn đang quá tải trong ngày thường lẫn dịp lễ.
Nói về tiến độ thực hiện dự án cầu Cát Lái, ông Từ Nam Thành – giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai – cho biết: “Hiện nay tỉnh đã giao cho sở làm báo cáo dự án tiền khả thi, đồng thời kết hợp lựa chọn đơn vị tư vấn để họ đánh giá tác động giao thông của các dự án liên vùng như dự án Vành đai 3, dự án Bến Lức – Long Thành… Chúng tôi cố gắng làm xong việc này trong quý 3-2020 để ngồi lại với TP.HCM chọn vị trí, đánh giá quy mô cây cầu Cát Lái ra sao”.
Cũng theo ông Thành, vấn đề giải phóng mặt bằng ở các dự án trọng điểm trên địa bàn cũng diễn ra thuận lợi. Việc còn lại là triển khai thực hiện các chính sách và xác định nguồn vốn để thực hiện dự án…
“Nghẽn” giữa hai đường cao tốc miền Trung Tuyến đường từ xã Hòa Liên đến Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nối giữa tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan với tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dài gần 12km hiện chật hẹp nhưng phải gánh mật độ xe Bắc – Nam lưu thông dày đặc. Mỗi ngày, hàng vạn xe vừa chạy hết tuyến cao tốc 80-120 km/h phải giảm tốc độ còn 40-80 km/h qua tuyến đường nhỏ hẹp với hai làn ôtô lẫn với hai làn xe máy, vừa gây mất an toàn giao thông lại không khai thác hiệu quả hai tuyến cao tốc đầu tư gần 50.000 tỉ đồng. Theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tuyến đường này nằm trong tổng dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan nhưng khi cao tốc hoàn thành (khoảng 66km) đoạn này vẫn dang dở, trở thành điểm nghẽn giữa hai tuyến cao tốc. Bộ GTVT và TP Đà Nẵng đã thống nhất làm đường gom rộng lần lượt 9m và 7,5m dọc hai bên tuyến đường này để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. Nhưng mới đây, theo quy hoạch giao thông của TP Đà Nẵng, đường gom hai bên tuyến đường này phải rộng 15,5m và 20,5m dẫn tới phạm vi giải tỏa tăng lên và hàng loạt phát sinh về vốn, thu hồi đất, tái định cư… Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng Lê Văn Trung cho biết tuyến đường hiện rất hẹp, mật độ xe lưu thông lớn, nhiều dòng xe hỗn hợp, lưu lượng xe tải, xe container, xe khách đường dài nhiều, nguy cơ mất an toàn giao thông với các xe máy, xe thô sơ cùng lưu thông. Tuyến đường này cũng thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông. UBND TP đã đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xin chủ trương cân đối nguồn vốn đầu tư đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan, để sớm đầu tư mở rộng đoạn tuyến này và xây dựng đường gom dọc hai bên theo quy mô đã thống nhất giữa TP và Bộ GTVT lần lượt là 9m và 7,5m. VIỆT HÙNG |