Đồng Nai: Nhanh tay đón dòng vốn đa lĩnh vực

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay có xu hướng chậm lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN) FDI, dòng vốn ngoại vào tỉnh giảm do diện tích đất cho thuê trong các khu công nghiệp (KCN) còn rất ít. Đồng thời, các nhà đầu tư đang trông đợi vào thời gian thi công các dự án giao thông.

Theo nhận định của tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, các tập đoàn đa quốc gia, chuyên gia về kinh tế thì Đồng Nai vẫn được xếp vào nhóm đầu các tỉnh, thành có sức hút lớn với các nhà đầu tư FDI. Thế nhưng, muốn đón dòng vốn ngoại, tỉnh phải chuẩn bị tốt hạ tầng các KCN, kết nối hạ tầng giao thông đến những khu vực mời gọi đầu tư.

* Hạ tầng nâng sức hút FDI

“Điểm cộng” lớn cho môi trường đầu tư của Đồng Nai hiện tại và trong tương lai là hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật đã, đang và sắp được đầu tư xây dựng. Đồng Nai là cửa ngõ giao thông cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kết nối với khu vực Tây nguyên, miền Tây.

Trong giai đoạn 5-10 năm tới, khi các dự án giao thông cấp quốc gia, vùng, tỉnh hoàn thành và đưa vào khai thác, thời gian vận chuyển hàng hóa đến các vùng trên sẽ giảm từ
40-60% so với hiện nay. Như vậy sẽ giúp cho DN FDI giảm chi phí về thời gian, tiền bạc khá lớn. Bên cạnh đó, Đồng Nai có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư đến sinh sống đông, kéo theo các dịch vụ khác phát triển đi kèm.

Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM đánh giá, có gần 30 DN Hoa Kỳ đã đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 207 triệu USD, xếp thứ 10 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai.

“Hiện các DN Hoa Kỳ rất muốn đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, hàng không… Do đó, tới đây sẽ có nhiều DN Hoa Kỳ đến Đồng Nai để tìm hiểu môi trường đầu tư, phía Tổng lãnh sự quán sẽ là cầu nối hỗ trợ họ các thông tin về chính sách của tỉnh để nhanh chóng mở rộng giao thương giữa hai bên” – bà Mary Tarnowka nói.

Trong 2-3 năm qua, rất nhiều tập đoàn FDI đã đến Đồng Nai  để tìm hiểu về chính sách, cơ hội đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, hàng không, hạ tầng giao thông, bất động sản, thương mại… Cụ thể, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản), Walmart, FedEx (Hoa Kỳ), Want Want (Đài Loan), Gulf, Amata (Thái Lan)… đang tìm địa điểm và dự tính sẽ bỏ ra từ vài chục đến hàng trăm triệu USD để liên kết đầu tư vào Đồng Nai.

Ông Hardy Diec, Giám đốc điều hành FedEx Express khu vực Đông Dương cho hay, FedEx đang muốn đầu tư dự án về kho bãi giao nhận hàng hóa trong cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vì sức hút của Đồng Nai trong những năm tới sẽ rất lớn khi cảng hàng không quốc tế Long Thành được khởi công xây dựng, hàng loạt đường cao tốc được đầu tư kết nối giao thông trong khu vực như: Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Liên Khương, Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 4…

Theo quy hoạch của UBND tỉnh, trên địa bàn Đồng Nai có hơn 300 dự án khu dân cư, khu đô thị. Trong đó, có khoảng 36 khu đô thị, khu dân cư có diện tích lớn từ 50-800ha. Tỉnh đang mời gọi các nhà đầu tư FDI nhằm đẩy nhanh tiến độ các khu đô thị trên tạo điểm nhấn cho từng địa phương và tỉnh.

Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2) sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

* Chuẩn bị tốt để ở thế chủ động

Công nghiệp, dịch vụ thương mại, bất động sản tại Đồng Nai sẽ là những lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn vốn ngoại rót vào trong các năm tới. Tuy nhiên, muốn đón được dòng vốn lớn của DN FDI vào tỉnh trên các ngành tỉnh đang ưu tiên mời gọi thì Đồng Nai cũng cần có sự chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng được yêu cầu cho nhà đầu tư.

Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ vẫn là ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Thách thức lớn nhất vẫn là hiện nay 31 KCN của Đồng Nai đã lấp đầy hơn 81%, nên diện tích đất còn lại để cho thuê không nhiều. Vì vậy, tỉnh muốn thu hút các dự án công nghiệp đòi hỏi phải tiến hành làm nhanh hạ tầng 4 KCN còn lại đã được Chính phủ quy hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh gấp rút đề xuất Chính phủ đưa vào quy hoạch công nghiệp Việt Nam các KCN mới và tăng quy hoạch sử dụng đất công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, các huyện, thành phố rà soát lại đất đai, nhu cầu trên địa bàn để đề xuất quy hoạch thêm các KCN cho phù hợp. Trong tương lai, Đồng Nai sẽ thu hút được nhiều DN FDI đến đầu tư vào công nghiệp.

Dự tính trong giai đoạn tới, Đồng Nai sẽ quy hoạch thêm 5 KCN mới và mở rộng một số KCN đã có diện tích lấp đầy.

Lĩnh vực bất động sản của Đồng Nai cũng được các nhà đầu tư ngoại để tâm vì tới đây khi giao thông kết nối thuận lợi, di dân từ TP.HCM sang Đồng Nai sẽ rất lớn. Tỉnh đang mời gọi đầu tư vào các khu đô thị, khu dân cư tạo điểm nhấn cho các khu vực trong tỉnh.

Ông Vikrom Kromadit, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Amata cho biết, Tập đoàn Amata đã đề xuất UBND tỉnh cho chuyển đổi dự án Khu đô thị – dịch vụ Long Thành (H.Long Thành) thành dự án Thành phố thông minh. Nếu tỉnh chấp nhận cho Tập đoàn Amata chuyển đổi dự án thì Amata sẽ tiến hành xây dựng thành phố thông minh. Tập đoàn Amata dự kiến sẽ rót vào hàng trăm triệu USD cho thành phố thông minh tại H.Long Thành.

Trong giai đoạn tới, mục tiêu của H.Long Thành là lên thị xã và hướng đến việc lên thành phố; H.Nhơn Trạch cũng gấp rút để trở thành thành phố. Do đó, các địa phương trên đang rất trông đợi các khu đô thị được quy hoạch sẽ xây dựng thành những khu đô thị thông minh và đích đến là thành phố thông minh.

Theo Báo Đồng Nai

Leave Comments

0968121788
0968121788